Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu là bình thường?
Nhiều phụ nữ khi bắt đầu đến độ tuổi mãn kinh còn rất bỡ ngỡ với những dấu hiệu bất thường của tiền mãn kinh. Vì vậy bài viết dưới đây sẽ giải đáp một cách tổng quan cho các chị em.
Tiền mãn kinh xuất hiện khi nào?
Tiền mãn kinh là một trong những giai đoạn tự nhiên của người phụ nữ do việc suy giảm nội tiết tố của buồng trứng sản sinh ra, đặc biệt là lượng estrogen trong cơ thể phụ nữ giảm. Thời kì tiền mãn kinh này thường bắt đầu khi phụ nữ bước vào độ tuổi 40 nhưng cũng có trường hợp mãn kinh sớm các triệu chứng tiền mãn kinh xuất hiện từ những năm 30 tuổi.
Tiền mãn kinh xuất hiện sớm hay muộn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, cách sinh hoạt vệ sinh cá nhân, môi trường….
Các triệu chứng báo hiệu thời kỳ tiền mãn kinh
Việc giảm sút hàm lượng estrogen là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng dấu hiệu của mãn kinh. Dưới đây là một số các triệu chứng điển hình mà hầu hết người phụ nữ nào cũng gặp khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh:
Kinh nguyệt thất thường: đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất, bởi khi hàm lượng estrogen suy giảm, các hormon sinh dục và buồng trứng không còn hoạt động hiệu quả như trước chính vì vậy kinh nguyệt bị rối loạn thất thường có khi vài ba tháng mới có kinh nguyệt một lần, lượng kinh nguyệt ra ít hơn và không theo chu kỳ kinh nguyệt.
Tâm sinh lý thay đổi: dễ dàng nổi nóng cáu gắt hay buồn vui vô cớ, ngủ chập chờn, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay gặp tình trạng toát mồ hôi đặc biệt là vào ban đêm, nóng trong người, thỉnh thoảng có cơn bốc hỏa và cảm giác lạnh trong người xen kẽ. Ngoài ra vấn đề đời sống tình dục bị thay đổi có thể gặp giảm ham muốn, có người thì tăng ham muốn nhưng thường thì giảm khoái cảm và khó đạt cực khoái.
Nhan sắc xuống cấp: sự sụt giảm của Estrogen khiến da phản ứng trở nên mỏng hơn, kém đàn hồi, da khô và nếp nhăn lộ rõ, mạch máu cũng nổi rõ hơn. Ở một số phụ nữ sẽ xuất hiện tình trạng nám da, sạm da trở nên rõ rệt và ngày càng lan rộng. Lúc này, vòng 1 thì nhão xệ, vòng 2 thì gia tăng do hiện tượng tăng tích lũy mỡ thừa, nguy cơ tăng cân béo phì cao.
Sức khỏe gặp nhiều vấn đề: xương khớp sẽ thoái hóa nhanh hơn làm cho mật độ và mức độ đau nhức tăng dần, giảm đi sự dẻo dai của tuổi trẻ. Quá trình loãng xương bắt đầu gia tăng tốc độ. Giai đoạn này sức đề kháng thường bị giảm, hay bị mắc các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản hay dễ mắc nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipide máu, thoái hoá khớp…
Triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài trong bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh đi qua rất nhẹ nhàng có thể xuất hiện chỉ vài tháng 1 năm, có trường hợp lại kéo dài 3-5 năm cá biệt có trường hợp kéo dài trên 5 năm.
Cũng như thời điểm xuất hiện của tiền mãn kinh không rõ ràng và không thể xác định cụ thể, không có tiêu chí thời gian rõ ràng, có thể xảy ra trước độ tuổi 40 nhưng nhìn chung bình quân thời kỳ mãn kinh xuất hiện dưới 45 tuổi.
Trong khi tuổi bắt đầu có kinh nguyệt có xu hướng trẻ hóa dần thì độ tuổi tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh lại không rõ ràng. Sự sớm, muộn của tuổi tiền mãn kinh có liên quan đến các nhân tố khí hậu, di truyền, tình hình kinh tế gia đình, xã hội,… và các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài trong bao nhiêu lâu cũng tùy thuộc vào nồng độ nội tiết buồng trứng trong máu của từng người.
Làm sao để cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh?
Để vượt qua các triệu chứng tiền mãn kinh một cách dễ dàng người phụ nữ cần chú ý đến các mặt tinh thần, dinh dưỡng, thể dục thể thao.
Luôn giữ thái độ lạc quan, yêu đời để giữ được tinh thần tốt. Tạo cho mình có một cuộc sống với môi trường vui tươi, thoải mái, tránh những lo âu phiền muộn, xây dựng một kế hoạch làm việc thật khoa học để không ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe.
Về dinh dưỡng: cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng tốt ngay khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh bằng cách ăn uống đầy đủ, cân đối các chất. Cân bằng chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các chất bằng cách ăn cơm gạo trắng thường ngày có xen lẫn gạo lức để bổ sung nhiều vitamin nhóm B. Ngoài ra, cần bổ sung lượng canxi có trong sữa, trứng… để làm giảm thay đổi tính khí, đau đầu. Ăn nhiều trái cây, rau quả để tăng lượng magnesium, qua đó tăng lượng serotonin giúp giảm stress. Nên ăn dưa hấu để cung cấp một phần chất xơ và nước sẽ giúp cơ thể chống được táo bón và đặc biệt là để cung cấp một lượng nước cho cơ thể. Tránh các thức ăn có nhiều mỡ, muối, dùng nhiều thức ăn giàu kali như cam, quýt, chuối, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Bổ sung nguồn nội tiết tố tự nhiên một cách hợp lý.
Thường xuyên tập thể dục thể thao như: khiêu vũ, yoga, thiền… để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan.